Thiết kế hệ thống quản trị chất lượng trường phổ thông ở việt nam

Mục đích của nghiên cứu này nhằm thiết kế hệ thống quản trị chất lượng giáo dục trường phổ thông ở Việt Nam dựa trên chuẩn, tác động đến tất cả các lĩnh vực chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông. Nghiên cứu đã áp dụng phương pháp nghiên cứu lí thuyết để thiết kế hệ thống quản trị chất lượng trường phổ thông đáp ứng chuẩn chất lượng quy định với quy trình gồm 6 bước thực hiện và những quy trình quản trị chất lượng trường phổ thông đề xuất. Kết quả này góp phần giúp trường phổ thông tham khảo, vận dụng để thiết kế hệ thống quản trị chất lượng giáo dục hiệu quả nhằm xây dựng và vận hành hệ thống quản trị chất lượng giáo dục tạo ra chất lượng bền vững.

Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh trân trọng giới thiệu nguyên văn bài viết của TS. Mai Hoàng Sang và ThS. Nguyễn Thi Thu Hương, Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đăng trên Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “QUẢN TRỊ NHÀ TRƯỜNG TRONG XU THẾ TOÀN CẦU HÓA VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ”.

1. Đặt vấn đề

Xu thế hội nhập khu vực, quốc tế đòi hỏi giáo dục phổ thông phải thay đổi căn bản, toàn diện vấn đề liên quan chất lượng giáo dục. Chất lượng giáo dục làm nên uy tín, thương hiệu của nhà trường phổ thông. Chất lượng giáo dục bao gồm: chất lượng của hoạt động dạy học, giáo dục; chất lượng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; chất lượng của các nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học, giáo dục học sinh… Vì thế, phải xem quản trị các yếu tố này là những nội dung của quản trị chất lượng giáo dục nhà trường phổ thông trước bối cảnh hiện nay.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng chuẩn chưa đúng chức năng, chỉ sử dụng chuẩn để đánh giá chất lượng giáo dục mà chưa dùng chuẩn để xây dựng hệ thống quản trị chất lượng dựa trên chuẩn (Nguyễn Đức Chính, 2017). Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục trường phổ thông còn nhiều bất cập, các hoạt động đảm bảo chất lượng chưa đạt hiệu quả cao dù là đã có nhiều văn bản pháp quy liên quan.

2. Bối cảnh giáo dục hiện nay

Nghị quyết số 29-NQ/TW đã xác định rõ mục tiêu của giáo dục đào tạo là: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả; xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lí tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; đảm bảo các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống GD&ĐT… Phấn đấu đến năm 2030 nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”(Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, 2013, tr.1).

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW cũng đã xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp: “Đổi mới căn bản công tác quản lí giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lí chất lượng” (Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, 2013, tr.8). Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết này, người Hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông cần đổi mới công tác quản trị chất lượng giáo dục. Trong đó, việc thực hiện tốt công tác đảm bảo chất lượng nói chung, công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nói riêng là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Để đảm bảo chất lượng cơ sở giáo dục có nhiều công cụ có thể được thực hiện thông qua bên ngoài hoặc bên trong cơ sở giáo dục. Ở Việt Nam, để đảm bảo chất lượng giáo dục nhà trường trong bối cảnh hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác này là: 1/Quản lí đồng bộ các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục (đầu vào), quá trình giáo dục và kết quả giáo dục (đầu ra); 2/ Đảm bảo việc công khai chất lượng giáo dục của nhà trường; 3/ Thực hiện cải tiến chất lượng liên tục; 4/ Tích hợp công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục phổ thông; 5/ Ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ công tác quản lí giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018d).

Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư 17/2018/TT-BGDĐT (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018b), thông tư 18/2018/TT-BGDĐT (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018c), quy định về tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, phổ thông nhiều cấp học. Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường học tập trung các lĩnh vực liên quan: Tổ chức và quản lí nhà trường; Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; Hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục. Mục tiêu của kiểm định chất lượng giáo dục là nhằm xác định các trường đạt mức đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn; lập kế hoạch cải tiến chất lượng, duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường; thông báo công khai với các cơ quan quản lí nhà nước và xã hội về thực trạng chất lượng của trường; để cơ quan quản lí nhà nước đánh giá, công nhận hoặc không công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018c).

Để quản trị nhà trường phổ thông, người Hiệu trưởng cần phải có những phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và năng lực quản trị nhà trường phổ thông nhằm đáp ứng Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông. Về năng lực quản trị nhà trường phổ thông, người Hiệu trưởng cần có những năng lực thành phần như: Tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường; Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục học sinh; Quản trị nhân sự… trong đó, năng lực quản trị chất lượng giáo dục nhà trường là một trong những năng lực cần thiết để quản trị nhà trường phổ thông trước bối cảnh đổi mới giáo dục. Mức đánh giá tốt “Hiệu trưởng cần chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển chất lượng bền vững…” (Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018a). Do đó, để chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển chất lượng bền vững cơ sở giáo dục phổ thông cần thiết phải thiết kế hệ thống quản trị chất lượng dựa trên những chuẩn mực chất lượng quy định.

3. Quan điểm về chất lượng và hệ thống quản trị chất lượng giáo dục trường phổ thông

Chất lượng nói chung, chất lượng giáo dục nói riêng là một khái niệm phức tạp và đa chiều, được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau. Có nhiều quan điểm khác nhau về chất lượng giáo dục: “chất lượng tương ứng với đầu vào”, “chất lượng tương ứng với đầu ra”, “chất lượng ứng với giá trị gia tăng”… Green và Harvey (1993) đã đưa ra năm nhóm quan niệm khác nhau về định nghĩa chất lượng: “là sự vượt trội” (chất lượng là sự nổi trội, vượt qua các tiêu chuẩn cao và đạt các tiêu chuẩn đặt ra); “là sự hoàn hảo, nhất quán” (khiếm khuyết bằng không và làm mọi việc đúng ngay từ đầu); “là sự phù hợp với mục tiêu” (sản phẩm hay dịch vụ phải đáp ứng mục đích hiện hữu và thỏa mản mục tiêu của khách hàng); “đo bằng tính đáng giá đồng tiền” (sản phẩm chất lượng với giá kinh tế); “là giá trị chuyển đổi” (bắt nguồn từ khái niệm thay đổi chất). Ở Việt Nam, việc đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục và hiệu quả giáo dục ở cấp độ trường phổ thông chủ yếu theo hình thức đánh giá trường đạt chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục. Cách tiếp cận về chất lượng giáo dục để đánh giá trường đạt chuẩn Quốc gia trường phổ thông theo hướng “Chất lượng là sự vượt trội”, nghĩa là chất lượng là sự nổi trội, xuất sắc; là sự đạt được một số tiêu chuẩn đặt trước. Hoạt động đánh giá trường đạt kiểm định chất lượng ở Việt Nam thực hiện theo cách tiếp cận “Chất lượng là sự đáp ứng mục tiêu”. Nhà trường được đánh giá là đạt tiêu chuẩn chất lượng khi hoàn thành được mục tiêu của nhà trường. Các cấp độ tiêu chuẩn chất lượng chính là các mức độ hoàn thành mục tiêu của mỗi nhà trường. Mục tiêu của nhà trường bao giờ cũng được xác định từ hai phía: Khách hàng và sứ mạng của nhà trường (người cung cấp sản phẩm). Để thực hiện được sứ mạng, mục tiêu của mình, vai trò của công tác quản trị chất lượng giáo dục là rất quan trọng. Đó là hoạt động của chính nhà trường, hướng tới việc đảm bảo rằng các cơ chế, quy trình và quá trình được sắp xếp hợp lí nhất, đạt những chuẩn mực quy định để đạt được chất lượng.

Chất lượng giáo dục có thể được nhìn nhận theo bốn khía cạnh mà chúng ta sẽ thảo luận: bối cảnh, đầu vào, quá trình, đầu ra tác động qua lại lẫn nhau để cùng tạo nên chất lượng giáo dục. Trong các khía cạnh này, bối cảnh là rất quan trọng đối với việc đảm bảo chất lượng cơ sở giáo dục.

Hình 1. Các thành tố tạo nên chất lượng giáo dục

Yếu tố “Bối cảnh” (Điều gì cần được xem xét từ bối cảnh bên trong và bên ngoài trường học?). Bối cảnh đôi khi bị bỏ quên hoặc đánh giá thấp. Nếu không có bối cảnh, người ta có thể sao chép và dán vào các hệ thống và cơ chế đảm bảo chất lượng trong giáo dục sẽ hoạt động ở mọi nơi trên thế giới. Có nhiều yếu tố bối cảnh phải được tính đến sẽ dẫn đến các cách xác định chất lượng khác nhau như: Bối cảnh là môi trường kinh tế – xã hội, môi trường khoa học – công nghệ và những xu thế của thời đại, điều kiện, hoàn cảnh, nền văn hóa địa phương cũng như truyền thống nhà trường nơi diễn ra hoạt động giáo dục… Các yếu tố này có thể tạo thuận lợi, hoặc gây khó khăn cho hoạt động giáo dục. Vì thế, để quản lí hiệu quả hoạt động giáo dục không thể không lưu ý tới yếu tố bối cảnh. Cần đặt hoạt động giáo dục của nhà trường trong bối cảnh văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương và có biện pháp huy động hiệu quả khả năng tham gia giáo dục các bên liên quan.

Yếu tố “Đầu vào” trong giáo dục là các nguồn lực sẵn có được sử dụng cho các mục tiêu, dịch vụ hoặc sản phẩm của giáo dục hay là các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục. Trong giáo dục phổ thông về cơ bản, điều này có nghĩa là cung cấp môi trường cho người học để phát triển kiến thức cá nhân. Nói chung, các đầu vào có thể được chia thành ba loại: nguồn lực tài chính và vật chất (ngân sách, cơ sở vật chất, thiết bị và vật liệu, các biện pháp khuyến khích, …); nguồn nhân lực và trình độ của nhân viên (giáo viên, hành chính, nhân viên phục vụ, v.v.); nguồn dịch vụ. Cụ thể, đó là các yếu tố nguồn lực tác động và phục vụ cho hoạt động dạy và học (cơ chế chính sách; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh; chương trình, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị, …). Những yếu tố đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục của nhà trường.

Hình 2: Các thành tố tạo nên  chất lượng giáo dục trường phổ thông

Yếu tố “Quá trình giáo dục” của nhà trường bao gồm: hoạt động quản lý; hoạt động dạy học; các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục học sinh; các hoạt động lãnh đạo nhà trường, giáo viên, nhân viên; hoạt động học tập, vui chơi, sinh hoạt của học sinh và các hoạt động liên quan khác…

Yếu tố “Đầu ra” chính là kết quả giáo dục của nhà trường bao gồm: sự phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho học sinh vào cấp học cao hơn,… Những yếu tố đó phải đáp ứng yêu cầu của xã hội, đáp ứng mục tiêu giáo dục. Sản phẩm giáo dục của một nhà trường được xét trong mối quan hệ tổng hoà giữa các yếu tố đầu vào, quá trình giáo dục, đầu ra và được đặt trong bối cảnh cụ thể.

Từ những phân tích trên, đối với chất lượng giáo dục phổ thông có thể tóm tắt qua hình 1.2.

Quản trị chất lượng nhà trường phổ thông có nhiều quan điểm khác nhau, tuy nhiên quan niệm được nhiều người chấp nhận: Quản trị chất lượng trường phổ thông là quá trình thiết kế các tiêu chuẩn và duy trì các cơ chế đảm bảo chất lượng của nhà trường phổ thông nhằm đạt được mục tiêu quản trị một cách tối ưu nhất. Bản chất của quản trị chất lượng giáo dục trường phổ thông là quản trị theo chuẩn và quy trình.

Hiện nay, thường có sự hiểu nhầm lẫn quản lí chất lượng truyền thống và quản trị chất lượng giáo dục. Có thể phân biệt thông qua bảng 1.1

Bảng 1. Phân biệt quản lí chất lượng giáo dục và quản trị chất lượng giáo dục

Số thứ tự Quản lí chất lượng giáo dục truyền thống Quản trị chất lượng giáo dục
Về công cụ Dựa vào chức năng quản lý: kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra. Quy trình quản trị trên chuẩn nhằm đạt tiêu chí, chỉ báo.
Người tham gia Chủ yếu là người lãnh đạo, quản lí trong nhà trường. Tất cả mọi thành viên trong nhà trường
Thời gian Theo đợt, theo giai đoạn Quản trị suốt quá trình, mọi lúc, mọi nơi
Kết quả Giảm tỉ lệ sản phẩm, tìm ra sai xót, quy trách nhiệm, sửa chữa, loại bỏ, thưởng, phạt… dẫn đến mang tính chất đối phó. Không có lỗi ở tất cả các công đoạn, quy trình; mọi thành viên đều tham gia thực hiện tốt; quy trình được liên tục cải tiến nhằm đạt chất lượng một cách bền vững, lâu dài.
Bảng 1. Phân biệt quản lí chất lượng giáo dục và quản trị chất lượng giáo dục

Quản trị chất lượng giáo dục bao gồm ba cấp độ: kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng và quản lí chất lượng tổng thể (Total Quality Management -TQM) (hình 1.3).

Hình 1.3: Các dạng thức quản trị chất lượng giáo dục

Kiểm soát chất lượng, “quá trình này không nhằm vào gốc rễ của vấn đề. Kiểm soát chất lượng chỉ giải quyết các vấn đề sau khi chúng bị phát hiện”. Để thực hiện kiểm soát chất lượng, các cơ sở giáo dục phổ thông thường sử dụng công cụ kiểm tra/thanh tra để phát hiện ra những “lỗ hỗng” từ đó đưa ra các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

Đảm bảo chất lượng không xác định chất lượng, mà kiểm tra chất lượng của các quá trình hoặc kết quả và có thể có mục đích tuân thủ, kiểm soát, trách nhiệm giải trình hoặc cải tiến/nâng cao. Đảm bảo chất lượng là tập hợp các phương pháp về cách kiểm tra, duy trì và nâng cao chất lượng bằng các quy trình, công cụ và dụng cụ khác nhau ở các cấp độ khác nhau. Đảm bảo chất lượng là công việc diễn ra trước và trong khi vận hành, mối quan tâm của là phòng chống những sai phạm có thể xảy ra ngay từ bước đầu tiên. Đảm bảo chất lượng tương ứng với việc làm đúng ngay từ đầu và làm đúng ở mọi thời điểm, tương ứng với việc phát hiện và phòng ngừa những sai phạm có thể xảy ra. Đảm bảo chất lượng giáo dục không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm giáo dục (kết quả “đầu ra” là nhân cách người học) mà còn quan tâm đến chất lượng của cả “đầu vào” (các điều kiện đảm bảo chất lượng) và quá trình giáo dục (quản lí và tổ chức các hoạt động giáo dục). Trong giáo dục, để thực hiện đảm bảo chất lượng, các cơ sở giáo dục thường thực hiện kiểm định chất lượng theo chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hoặc thực hiện theo chuẩn quốc tế (ISO-International Organization for Standardization). Qua việc thực hiện công tác này, các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ phát hiện ra những điểm mạnh, điểm yếu về thực trạng của nhà trường so với bộ tiêu chuẩn để từ đó đề xuất các biện pháp cải tiến chất lượng nhà trường trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn nhằm giúp nhà trường đảm bảo chất lượng.

Quản lí chất lượng tổng thể (Total Quality Management – TQM) là dạng thức kế thừa và phát triển từ dạng thức “đảm bảo chất lượng” tương ứng với việc phát hiện, phòng ngừa và cải tiến liên tục chất lượng. Một trong những định hướng mà các cơ sở giáo dục đều hướng tới trong tương lai là làm sao áp dụng dạng thức TQM để xây dựng văn hóa chất lượng nhà trường.

Do đó, để quản trị chất lượng giáo dục trường phổ thông, người Hiệu trưởng cần thực hiện tốt việc kiểm soát chất lượng giáo dục nhà trường, kết quả trên tạo nền tảng để nhà trường thực hiện đảm bảo chất lượng giáo dục nhà trường phổ thông (đảm bảo chất chất lượng bên trong, đảm bảo chất chất lượng bên ngoài). Với những kết quả trên sẽ định hướng giúp nhà trường định hướng xây dựng văn hoá chất lượng nhà trường phù hợp với tầm nhìn, sứ mạng của nhà trường phổ thông.

Warren Piper, D. (1993) cho rằng để xây dựng hệ thống quản trị chất lượng bao gồm những thành tố: xác lĩnh vực cần quản lý; xây dựng các quy trình tương ứng; xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cho mỗi quy trình. Do đó, hệ thống quản trị chất lượng giáo dục trường phổ thông là hệ thống các quy định, quy trình, công cụ đối với tất cả lĩnh vực, nội dung quản trị của nhà trường phổ thông; hệ thống thông tin nội bộ, nhân sự và cơ chế, giám sát, đánh giá, thông qua đó nhà trường duy trì, cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục.

4. Đề xuất thiết kế hệ thống quản trị chất lượng giáo dục trường phổ thông

Mọi tổ chức cần có kế hoạch về cách tổ chức và phân chia công việc để các quá trình vận hành trơn tru, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và đạt được mục tiêu đã đề ra. Việc thiết kế cơ cấu tổ chức là nhiệm vụ của người quản trị nhà trường phổ thông thông qua việc xác định cách thức hoạt động của tổ chức, có tính đến bối cảnh tổ chức, các chi tiết cụ thể và môi trường của tổ chức để suy ra cách các mục tiêu có thể đạt được và các cách thức khó có thể thành công. Do đó, cấu trúc của hệ thống quản trị chất lượng giáo dục trường phổ thông khác nhau giữa các nhà trường. Các cấu trúc không cố định, chúng có thể được cải tiến và chúng phải thích ứng với sự thay đổi để hoàn thành chức năng của chúng. Tuy nhiên, việc thiết kế hệ thống quản trị chất lượng giáo dục trường phổ thông phải đảm bảo các nguyên tắc sau: Tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo phù hợp với mục tiêu giáo dục của cấp học, phù hợp với thực tiễn của trường phổ thông. Bên cạnh đó, cần thể hiện được tầm nhìn, sứ mạng, chiến lược, kế hoạch của trường phổ thông trong từng giai đoạn. Nhấn mạnh vai trò của nhà quản trị, gắn kết với quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của nhà trường và lấy học sinh làm trung tâm. Việc thiết kế hệ thống quản trị chất lượng cần huy động sự tham gia của tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh vào hoạt động của hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục nội bộ trường phổ thông. Đặc biệt, việc thiết kế cần tiếp cận theo quá trình, gắn kết với hệ thống tiêu chuẩn/tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục trường phổ thông.

Căn cứ vào Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT, Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT, ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và kết quả nghiên cứu trên. Có thể thiết kế hệ thống quản trị chất lượng giáo dục trường phổ thông qua hình 1.4:

Hình 1.4: Hệ thống quản trị chất lượng giáo dục trường phổ thôngphát triển

Để thiết kế hệ thống quản trị chất lượng giáo dục trường phổ thông cần thực hiện các bước cụ thể:

Bước 1: Xác định sứ mạng, mục tiêu, nhiệm vụ của của nhà trường phổ thông.

Bước 2: Xác định những lĩnh vực cần quản trị chất lượng thông qua phân tích các thành tố tạo nên chất lượng giáo dục trường phổ thông. Kết hợp với việc phân tích Thông tư 17/2018/BGDĐT hoặc Thông tư 18/2018/BGDĐT (chuẩn) nhằm xác định các lĩnh vực cần quản trị chất lượng giáo dục phổ thông (tiếp cận chuẩn chất lượng). Bên cạnh đó, cần xác định cấu trúc và mối quan hệ giữa các thành phần của hệ thống, sơ đồ hóa các công việc cần quản trị: xác định rõ mối quan hệ, tác động qua lại của các nội dung quản trị chất lượng.

Bước 3: Xây dựng quy trình cho từng nội dung quản trị chất lượng dựa vào cách tiếp cận: đầu vào, quá trình giáo dục và đầu ra và tiếp cận chuẩn chất lượng giáo dục quy định để xây dựng các bước thực hiện cho từng nội dung quản trị. Ví dụ một số quy trình quản trị chất lượng giáo dục trường phổ thông:

– Quy trình về quản trị công tác hành chánh, quản trị nhà trường: phát hành văn bản; quản lí văn bản đến; tiếp nhận và lưu trữ hồ sơ học sinh; trả hồ sơ học sinh; lập sổ đăng bộ; xây dựng kế hoạch phát triển chiến lược nhà trường; xây dựng kế hoạch hoạt động năm bọc; quản lí hồ sơ sổ sách…

– Quy trình quản trị công tác nhân sự nhà trường: quản lí hồ sơ cán bộ công chức, viên chức; tuyển dụng viên chức; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nhân viên; bổ nhiệm cán bộ; thi đua, khen thưởng…

– Quy trình quản trị tài chính, tài sản: lập dự toán thu chi; công khai tài chính; báo cáo kê khai tài sản; kiểm kê tài sản; đấu thầu mua sắm tài sản…

– Quy trình quản trị hoạt động dạy học: phân công chủ nhiệm, giảng dạy; xếp thời khoá biểu; sinh hoạt chuyên môn; theo dõi công tác chủ nhiệm; dự giờ; tuyển sinh đầu cấp; lập hồ sơ học sinh; kỷ luật, phụ đạo học sinh…

Ngoài ra, còn nhiều quy trình quản trị khác trong nhà trường phổ thông: khai giảng/ tổng kết năm học; hội thao; hội khoẻ Phù Đổng; công tác xã hội hoá giáo dục, phổ biến pháp luật…

Bước 4: Xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá, hướng dẫn thực hiện cho từng nội dung quy trình quản trị.

Bước 5: Vận hành hệ thống.

Bước 6: Đánh giá, điều chỉnh hệ thống: định kỳ tiến hành kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh hệ thống quản trị chất lượng giáo dục trường phổ thông.

Để tạo chất lượng giáo dục bền vững, cơ sở giáo dục phổ thông cần xây dựng, vận hành, đánh giá, điều chỉnh các quy trình quản trị chất lượng giáo dục tiếp cận những chuẩn mực về chất lượng.

5. Kết luận

Trước yêu cầu của bối cảnh giáo dục hiện nay có nhiều thay đổi, nhà trường phổ thông cần đổi mới cách thức quản trị chất lượng nhà trường nói chung, quản trị chất lượng giáo dục nói riêng. Bên cạnh trường phổ thông dùng chuẩn để đánh giá để được công nhận chất lượng thì cách tiếp cận theo hướng mới là dùng chuẩn để xây dựng hệ thống quản trị chất lượng dựa trên chuẩn là cần thiết. Hệ thống quản trị chất lượng giáo dục trường phổ thông nếu được thiết kế, xây dựng, vận hành và phát triển dựa trên chuẩn mực yêu cầu về chất lượng trường phổ thông được quy định nhằm hướng đến liên tục đo lường, đánh giá, kiểm soát, duy trì và cải thiện chất lượng của mọi hoạt động chính yếu của nhà trường. Điều đó, sẽ tạo ra chất lượng của cả quá trình giáo dục trong nhà trường một cách bền vững và ổn định, chứ không phải tạo chất lượng chỉ cho một cá nhân, đơn vị hay bộ phận nào đó trong trường, hay trong một thời gian ngắn.

Tài liệu tham khảo

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. (2013). Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2018a). Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ngày 20/7/2018 quy định Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2018b). Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo về Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2018c). Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông nhiều cấp học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2018d). Tài liệu tập huấn tự đánh giá, đánh giá ngoài trường phổ thông. Lưu hành nội bộ.

Nguyễn Đức Chính. (2017). Hệ thống quản trị tốt – chất lượng giáo dục tốt. https://infeqa.vnu.edu.vn/tin-tuc/tin-dam-bao-chat-luong/254-gs-ts-nguya-n-a-c-cha-nh-ha-tha-ng-qua-n-tra-ta-t-cha-t-l-a-ng-gia-o-da-c-ta-t

Harvey, L., & Green, D. (1993). Defining Quality. Assessment and Evaluation in Higher Education, 18, 9-34. http://dx.doi.org/10.1080/0260293930180102Warren Piper, D. (1993). Quality Management in Universities, Canberra: AGPS

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *