Sáng 12-5, gần 200 nhà giáo là lãnh đạo các sở GD-ĐT tỉnh, thành phố, đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn TPHCM thảo luận tìm giải pháp nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại Hội thảo “Phát triển năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong kỷ nguyên số” do Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM tổ chức.
Toàn cảnh buổi hội thảo |
Ngày 25-1-2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” nhằm tạo ra đột phá trong đổi mới hoạt động giáo dục và đào tạo.
Một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được nêu ra là phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học, kiểm tra, đánh giá học sinh, trong đó có các yêu cầu như phát triển kho học liệu số dùng chung, ứng dụng các nền tảng số phục vụ dạy học, triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số.
Theo ThS Nguyễn Thế Quang, Phó phòng Nghiệp vụ dạy và học, Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận, yêu cầu phát triển năng lực cho đội ngũ nhà giáo là vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Trong đó, phát triển năng lực cho đội ngũ nhà giáo thể hiện qua 2 hoạt động chính là đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ. Để trả lời cho câu hỏi “Ai là người quyết định chất lượng giáo dục?”, cần xác định rõ câu trả lời chính là đội ngũ nhà giáo.
“Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, nhận thức về chuyển đổi số trong lực lượng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã bước đầu thay đổi, dữ liệu số cơ bản được hoàn thành, song nhận thức của đội ngũ còn khá mơ hồ, chưa thực sự hiểu rõ chuyển đổi số là thế nào”, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận bày tỏ.
Theo vị này, hạ tầng công nghệ thông tin hiện nay chưa đồng bộ, chỉ tập trung vào phần mềm số ứng dụng nhưng chưa chú trọng phần cứng, hiệu quả của các đề án triển khai không kéo dài. Đặc biệt, do phần lớn giáo viên được đào tạo ở thời kỳ trước nên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, năng lực thực hiện còn hạn chế, mỗi nơi và mỗi người có nhận thức, quan niệm và cách làm khác nhau về chuyển đổi số. Nhìn chung, nhân lực chuyển đổi số còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.
Nhà giáo này nhận định, kỹ năng số có thể được bồi dưỡng nhưng thái độ, nhận thức về chuyển đổi số đòi hỏi sự tự giác, chủ động của đội ngũ các thầy, cô giáo.
Ở góc độ khác, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ GD-ĐT) cho rằng, mục đích cuối cùng của giáo dục là hoàn thiện con người xã hội chứ không chỉ cung cấp kiến thức. Song, cách thức kiểm tra, đánh giá trong nhà trường phổ thông hiện nay mới tập trung vào việc đánh giá khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh.
“Nhiều giáo viên đang đánh đồng học lực giỏi với hạnh kiểm tốt, dù 2 tiêu chí này hoàn toàn khác nhau. Một học sinh đạt điểm 10 môn Toán chưa chắc hiểu được động cơ học toán, biết cách ứng xử đối với các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nêu thực tế.
Nói cách khác, các địa phương và trường học hiện nay đang thiếu hệ thống đánh giá riêng đối với năng lực và phẩm chất người học, vẫn duy trì hình thức đánh giá cũ là kiểm tra định kỳ, lấy kết quả đầu ra thể hiện chất lượng giáo dục.
“Đánh giá toàn diện học sinh phải là kết quả tổng hòa của 8 yêu cầu gồm: kiến thức, kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành, thái độ, động cơ, xúc cảm, giá trị và đạo đức. Học sinh có thể trả lại giáo viên kiến thức nhưng kỹ năng nhận thức, thực hành, các giá trị sống và đạo đức là những năng lực, phẩm chất đi theo các em suốt cuộc đời”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ phân tích.
Từ thực tế đó, giáo viên trong bối cảnh đổi mới giáo dục cần được trang bị kỹ năng số, biết sử dụng các công cụ đánh giá mang tính quá trình và thường xuyên đối với người học. Đồng thời phối hợp tốt giữa 3 bên gồm nhà trường, gia đình và xã hội trong đánh giá học sinh.
Theo nhà nghiên cứu này, thi cử và đánh giá chính là sự tác động ngược lại quá trình dạy học, làm cơ sở để thực hiện đổi mới giáo dục.
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận Phan Đoàn Thái nêu ý kiến, trường học phải tăng cường giao quyền tự chủ cho giáo viên. Trong đó, giáo viên cần đổi mới nhận thức và tư duy dạy học, tạo điều kiện cho học sinh phát triển thế mạnh riêng của bản thân, không đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây.
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang trăn trở về chính sách đầu tư trang thiết bị và giữ chân đội ngũ giáo viên |
Mặt khác, theo bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang, trước tiên cần thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đối với yêu cầu chuyển đổi số.
Tiếp theo đó, các yêu cầu về đầu tư trang thiết bị như phòng vi tính, máy móc, đường truyền, thiết bị và chính sách đãi ngộ để thu hút, giữ chân giáo viên, nhất là các bộ môn như tiếng Anh, tin học cần được tính toán bổ sung để tăng hiệu quả thực hiện.