VHO – Hôm nay 12.5, Trường Cán bộ Quản lý (CBQL) giáo dục TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển năng lực cho đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục trong kỷ nguyên số” với sự tham dự của đông đảo nhà khoa học, CBQL giáo dục các tỉnh, thành cả nước.
Theo TS. Vũ Quảng, Quyền Hiệu trưởng Trường CBQL giáo dục TP.HCM, Trưởng BTC, với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” nhằm tạo ra những đột phá trong đổi mới hoạt động giáo dục và đào tạo; đồng thời xác định người học và nhà giáo chính là trung tâm của quá trình chuyển đổi số; lợi ích mang lại cho người học, đội ngũ nhà giáo và người dân là thước đo chủ yếu đánh giá mức độ thành công của chuyển đổi số. “Hội thảo nhằm tìm ra các giải pháp khoa học phù hợp góp phần phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên và CBQL, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời đại số”, TS Vũ Quảng nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu lên thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm về những phương thức tổ chức dạy học và đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh trong các môn học trong chương trình phổ thông; nghiên cứu các phương thức và biện pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQL, giáo viên trong nhà trường để nâng cao hiệu quả công tác đổi mới giáo dục và triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018… Các ý kiến đã khẳng định được vai trò, vị trí của số hóa và những khó khăn, thách thức của giáo dục trước yêu cầu đối mới; về thực trạng trong chuyển đổi số tại các trường phổ thông hiện nay; cùng với đó là thực trạng học tập trực tuyến của học sinh, thực trạng quản lý hoạt động dạy học và các hoạt động giáo dục, công tác bồi dưỡng giáo viên, CBQL tại các cơ sở giáo dục.
Ông Nguyễn Thế Quang, Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện khảo sát và chỉ ra một số bất cập trong quản lý hoạt động bồi dưỡng và chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục. Theo ông, thách thức hiện nay là nhiều giáo viên, CBQL còn rất mơ hồ trong nhận thức, chưa nắm rõ về khái niệm chuyển đổi số; hạ tầng công nghệ thông tin không đồng bộ; nhân lực số vừa thiếu, lại vừa yếu; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin hạn chế,… “Kết quả khảo sát cho thấy đội ngũ nhà giáo chưa thật sự sẵn sàng cho công tác chuyển đổi số trong trường học. Do đó, trước tiên cần bồi dưỡng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số, kiến thức và năng lực công nghệ cho các nhà quản lý giáo dục và nhà giáo để từ đó giúp họ có kiến thức xây dựng chiến lược”, ông Quang gợi mở.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang Nguyễn Hoài Thúy Hằng bày tỏ những khó khăn trong việc phát triển năng lực cho đội ngũ giáo viên và CBQL
Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã ra đời, định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Sự chuyển dịch từ chương trình theo tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, phẩm chất đòi hỏi phải có sự thay đổi, kéo theo phải tiến hành nghiên cứu đồng bộ trong cả ba cấu phần của chu trình: Chương trình – Giảng dạy – Đánh giá. Mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là giáo dục dựa trên năng lực, hay nói cách khác nhiệm vụ của việc dạy học nói riêng, giáo dục nói chung cần xác định được cấp độ năng lực hiện tại của học sinh và hỗ trợ học sinh lên cấp độ tiếp theo như thế nào. Thực tiễn cho thấy, nhà trường và giáo viên đã và đang gặp khó khăn trong giảng dạy và đánh giá học sinh theo tiếp cận năng lực khi họ vẫn có thói quen đánh giá dựa trên kiến thức các học sinh có được.
“Nhiều giáo viên vẫn máy móc dạy theo hướng dẫn chung, không chủ động điều chỉnh theo hướng giúp học sinh tiến bộ so với chính bản thân em. Đại bộ phận học sinh ít có cơ hội được học sát với năng lực của mình hoặc có thể tự điều chỉnh để học tập hiệu quả, phù hợp với bản thân. Bên cạnh đó, để đánh giá năng lực người học thì người dạy và người quản lý cần thành thạo nhiều công cụ đánh giá quá trình học tập của học sinh chứ không chỉ sử dụng bài kiểm tra như trước đây. Những sự thay đổi về yêu cầu đánh giá dẫn đến cần thiết phải nhận thức và tổ chức hoạt động đánh giá khoa học, hệ thống”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ phân tích.
Chuyên gia cho rằng, triển khai thành công Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo bền vững là nhiệm vụ của cả hệ thống giáo dục. Thực tiễn tại các trường học và địa phương cho thấy, các giáo viên đang kỳ vọng vào sự thay đổi mang tính dẫn dắt của thi cử, kiểm tra đánh giá. Tuy nhiên, nếu chỉ thay đổi về các quy định mà chưa trở thành hành động của giáo viên, của nhà trường, của cơ quan quản lý thì việc đổi mới đánh giá quá trình, kết quả học tập của học sinh rất khó để đạt yêu cầu. Mặc dù đã được tập huấn thông qua các chương trình bồi dưỡng của ngành giáo dục, song để triển khai hiệu quả các quy định về đánh giá năng lực người học thì các giáo viên cần được hướng dẫn, tạo bối cảnh thực hành sát sao. Sự quyết tâm thay đổi hệ thống đánh giá kết hợp quá trình chuyển đổi số có thể tạo ra sự thành công như mong đợi. Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang Nguyễn Hoài Thúy Hằng cho hay việc triển khai chuyển đổi số trong giáo dục tại địa phương gặp nhiều khó khăn, không chỉ hạ tầng thiết bị, trình độ công nghệ thông tin mà quan trọng nhất là yếu tố con người. Hiện đội ngũ giảng dạy đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tại Hậu Giang rất thiếu.
Tiến hành khảo sát đối với 208 hiệu trưởng trường phổ thông tại nhiều địa phương trên cả nước, ông Phan Tấn Chí, Trường CBQL giáo dục TP.HCM cho biết, hiệu trưởng các trường phổ thông hiện nay được đào tạo, bồi dưỡng để có đủ chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên số với các yêu cầu mới, bản thân hiệu trưởng ngoài việc thực hiện theo yêu cầu của cấp quản lý, tự học và trải nghiệm, bản thân họ đều có nhu cầu về việc bồi dưỡng phát triển năng lực chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng các yêu cầu mà kỷ nguyên số đặt ra cho mỗi người. “Chúng ta thường nói ‘chậm mà chắc’ nhưng việc phát triển năng lực cho hiệu trưởng trường phổ thông trong kỷ nguyên số ‘chậm là chết’”, ông tâm tư.
Với góc nhìn đa chiều và cách tiếp cận khác nhau, hội thảo đã phác họa được bức tranh tổng thể về những thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức cho giáo dục Việt Nam trong thời đại số. Theo đó, để phát triển năng lực cho đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục, đồng thời triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo đúng lộ trình, đảm bảo mục tiêu cần có tham gia đồng bộ của tất cả các lực lượng trong xã hội. Trong đó, mỗi CBQL phải luôn chủ động, không ngừng học tập, bồi dưỡng, phát huy năng lực của mình đáp ứng yêu cầu quản lý nhà trường trong môi trường số.
THÙY TRANG